Sự nghiệp văn chương Tào_Thực

Tranh vẽ minh họa Tào Thực đời nhà Minh.

Tào Thực mất có để lại một tập thơ, được gọi là Trần Tư vương tập (陈思王集), gồm khoảng 80 bài thơ; hơn 40 bài từ, phú, tản văn và có thể làm hai thời kỳ:

  • Buổi đầu; thơ Tào Thực thể hiện chí khí tiến thủ, khát vọng lập công như: Đông Chinh phú (東征賦; Bài phú chinh phạt phía Đông, tức Đông Ngô), Chinh Thục luận (征蜀論; Luận về việc đánh nước Thục)...
  • Ở thời kỳ sau; vì bị anh và cháu chèn ép, nên thơ ông có chuyển biến rõ rệt. Thơ trở nên u uất bi thương, như: Dã điền hoàng tước hành (野田黃雀行; bài hành về con sẻ vàng ngoài cánh đồng), Hu ta thiên (吁嗟篇; Thiên tự than thân), Tặng Bạch Mã vương Bưu (贈白馬王彪)...

Tuy nhiên, do cảnh sống mà ông cũng có được một số tác phẩm phản ảnh được ít nhiều nỗi khổ của nhân dân trong cơn ly loạn, nhất là nỗi đau đớn của những người phụ nữ bất hạnh, như Khuê tình (閨情; tâm tình chốn phòng khuê), Khí phụ thi (棄婦詩; bài thơ về người vợ bị bỏ rơi), Thất ai thi (七哀詩; bảy nỗi buồn than),...

GS Nguyễn Khắc Phi đánh giá:

Thơ Tào Thực có số lượng khá nhiều, nghệ thuật khá cao, ngôn từ điêu luyện, phong vị dân ca đậm đà, song nội dung không sâu sắc bằng những bài thơ tiêu biểu của một số thi nhân cùng thời, như Trần Lâm (?-217), Vương Xán (177-217) và Thái Diễm (177-?)...có một vị trí nhất định trong sự phát triển của lịch sử văn học Trung Quốc. Đó là tia hồi quang của một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi những phe phái quân phiệt xâu xé nhau trên cái nền sụp đổ của triều Hán, gây cho nhân dân Trung Quốc biết bao thảm họa.

Ngoài ra, Tào Thực còn là một trong những người đầu tiên biết học tập dân ca một cách sáng tạo. Nhờ ông, thơ ngũ ngôn Trung Quốc đã phát triển đến độ thành thục.[3]

Bàn về quan niệm văn chương của Tào Thực và Tào Phi, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết:

Tào Phi và Tào Thực, là hai anh em ruột mà tính tình và đời sống trái nhau hẳn. Tào Phi làm Hoàng đế, chỉ cho văn chương mới là sự nghiệp lớn, đáng lưu truyền lại thiên thu; còn phú quý, công danh hễ chết là hết. Tào Thực, ngược lại, cho văn chương là nghề mọn mà sự lập công mới đáng trọng. Trong một lá thư gửi bạn, ông thố lộ nỗi lòng, đại ý nói: "Tôi tuy bạc đức, cũng gắng sức giúp nước, để ân huệ cho dân, chứ không muốn lấy công việc bút mực làm công lao, lấy từ phú làm hơn người".

Mặc dù cho văn chương là nghề mọn, nhưng cũng theo Nguyễn Hiến Lê thì:

Tào Thực xứng đáng là đệ nhất thi nhân trong hai đời Tần Hán và là người mở đường cho lối thơ diễm lệ đời Lục Triều[4]. Thơ của ông đặc sắc vì lời rất điêu luyện, có nhạc, có đối mà vẫn tự nhiên, đủ văn vẻ lẫn chất phác.

Danh sĩ Tạ Linh Vận (謝靈運)[5] thời Đông Tấn cũng đã hết sức khen ngợi Tào Thực:

Văn chương trong thiên hạ có cà thảy một thạch (tức 10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết 8 rồi[6].

So sánh vai trò và tài năng của Tào Thực trên văn đàn, Nguyễn Hiến Lê viết:

Thời Kiến An, ba cha con là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, làm lĩnh tụ trên thi đàn. Tháo có giọng trầm hùng. Phi thì sầu, nhã. Thực, đa tài hơn cả; thơ vừa diễm lệ, vừa lâm ly và cao kỳ. Đến năm 232, Tào Phi và Tào Thực đều đã chết hết, văn đàn rực rỡ thời Kiến An cũng rã tan theo.[7]